Tháng 4-2020, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã công bố quyết định thành lập khoa Luật học Phật giáo và đến ngày 3-3-2021, lớp đầu tiên của khoa Luật học Phật giáo được chính thức khai giảng tại tu viện Vĩnh Nghiêm – cơ sở nội trú của Tăng sinh theo học khoa này.
Đây là lần đầu tiên, bộ môn Luật học được đưa vào giảng dạy bài bản và trở thành khoa chuyên môn riêng biệt tại một học viện Phật giáo của nước ta. Để giúp bạn đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về quá trình thành lập, đặc thù và phương hướng phát triển của khoa chuyên môn này, Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Giác Dũng, Tiến sĩ Luật học (Đại học Bukkyo, Nhật Bản), Thư ký Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trưởng khoa Luật học Phật giáo thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Nói về ý tưởng và quá trình xây dựng khoa Luật học trở thành một khoa chính thức trong hệ thống đào tạo của một học viện Phật giáo tại Việt Nam, Thượng tọa cho biết:
– Giới luật là sinh mạng của Phật pháp. Phật pháp tồn tại và phát triển trên nền tảng căn bản của giới luật. 40 năm trước tôi có cơ duyên theo học các lớp giới luật mang tính cách gia giáo. Sau đó, khi du học tại Nhật Bản tôi lại tiếp tục nghiên cứu về giới luật Phật giáo chuyên sâu hơn.
Sau khi từ Nhật Bản trở về, tôi luôn mong muốn Học viện Phật giáo Việt Nam phải có một khoa Luật học chánh quy, được đào tạo một cách bài bản, vừa có pháp học và pháp hành. Do đó, khi xây dựng tu viện Vĩnh Nghiêm, tôi quyết định xây dựng một môi trường phù hợp với việc nghiên tầm và hành trì giới luật. Nhưng yếu tố quan trọng mang tính quyết định chính là ý tưởng của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Sau khi biết tôi nghiên cứu về giới luật Phật giáo trong thời gian theo học tại Đại học Bukkyo, Nhật Bản, Hòa thượng có dạy: “Phải thành lập một khoa Luật học Phật giáo vừa chuyên pháp học, pháp hành. Về pháp hành cần có môi trường phù hợp với đời sống phạm hạnh thanh tịnh, về pháp học nên có sự so sánh, đối chiếu”. Thế là tháng 3-2020, Hòa thượng quyết định thành lập khoa Luật học Phật giáo, giao cho tôi làm Trưởng khoa. Những lời dạy của Hòa thượng cũng chính là hoài bão xưa nay của mình, tôi xin y giáo phụng hành và xin phép được mở khoa Luật học Phật giáo tại tu viện Vĩnh Nghiêm. Hòa thượng hoan hỷ hứa khả.
Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về nội dung, hệ thống giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy của khoa Luật học?
– Về nội dung, ngoài các môn Sinh ngữ, Cổ ngữ, Cơ bản Phật học; hơn một nửa nội dung thuộc chuyên ngành Luật học. Luật học lại chia ra giới luật Phật giáo và pháp luật hiện hành. Pháp luật hiện hành có các môn như Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng – tôn giáo,…; Giới luật Phật giáo là nội dung chủ yếu của chương trình học, bao gồm giới luật Đại thừa và giới luật Thanh văn. Giới luật Thanh văn được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, gồm cả Luật tạng và các bản chú sớ vì đây là nền tảng căn bản của Phật pháp.
Về giáo trình thì dựa vào các văn bản luật hiện hành như luật Tứ phần, luật Ma-ha Tăng kỳ, v.v… nhưng luật Tứ phần vẫn là tư liệu chủ yếu vì Phật giáo Việt Nam từ xưa tới nay truyền trì bộ luật này.
Phương pháp giảng dạy dựa trên quy định chung của Học viện: Hướng dẫn cho Tăng Ni sinh phương pháp tự nghiên cứu, tự tìm hiểu, tự trang bị kiến thức giới luật cho chính mình. Ngoài ra, còn hướng dẫn cho Tăng Ni sinh phương pháp so sánh: So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa các bộ Luật tạng của các bộ phái và rồi so sánh giới luật Phật giáo với pháp luật hiện hành để tìm ra những chỗ tương đồng, dị biệt; những điểm cần áp dụng vào đời sống tu hành thực tiễn.
Một giờ học của Tăng sinh khoa Luật học Phật giáo tại tu viện Vĩnh Nghiêm |
Trong quá trình xây dựng khoa chuyên môn mới mẻ này, có điều gì khiến Thượng tọa tâm đắc?
– Điều tôi tâm đắc nhất là sự quan tâm sát sao và chỉ dạy sâu sắc của Hòa thượng Viện trưởng Học viện. Ngài thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập, sinh hoạt của Tăng sinh tại tu viện. Đặc biệt, ngài luôn dạy: Phải giáo dưỡng những vị truyền thừa Luật tạng, phải đào tạo những vị luật sư trong tương lai. Muốn như vậy, ngoài việc học tập theo truyền thống còn phải có sự so sánh đối chiếu trong và ngoài để áp dụng giới luật của Đức Phật dạy một cách thiết thực trong cuộc sống hiện tại.
Có quan điểm cho rằng, giới luật chỉ nên được giảng dạy “bí truyền”, việc “công truyền” thông qua hệ thống giảng dạy bài bản, sư phạm có thể kéo theo nhiều điều tiêu cực, xin Thượng tọa chia sẻ thêm về vấn đề này?
– Đây là một câu hỏi hết sức mơ hồ. Mơ hồ ở chỗ “có quan điểm cho rằng”. Quan điểm đó là của ai, được ghi trong văn bản nào? Trong Luật tạng, văn bản bậc một mà tất cả các vị tu sĩ Phật giáo và nhất là các vị luật sư phải học thuộc lòng, lại không thấy ghi điều này.
Tất cả những lời Đức Phật dạy dù là kinh hay luật đều mang tính chất chân lý phổ quát, tức chân lý được thực thi, được áp dụng bởi tất cả mọi người ở mọi không gian và thời gian khác nhau, là “công truyền”. Do đó, những lời dạy của Đức Phật không có gì phải che giấu, không có gì được gọi là “bí truyền”. Ngược lại, càng phải được dạy cho tất cả mọi người.
Cũng theo công thức “có quan điểm cho rằng”, trước giờ nhiều vị cho rằng Tỳ-kheo-ni không được học giới của Tỳ-kheo. Đây là một sai lầm hết sức nguy hiểm, hoàn toàn trái với lời dạy của Đức Phật. Như chúng ta biết, trong Luật tạng có hai phần chính là Giới (giải thích giới của Tỳ-kheo và giới của Tỳ-kheo-ni) và Luật (trình bày những quy định liên hệ đến sinh hoạt của chúng Tăng). Trong phần giới của Tỳ-kheo thì có những điều giới giống với của Tỳ-kheo-ni, cụ thể là tứ Ba-la-di (không được bất tịnh hạnh, không được trộm cắp, không được sát sanh, không được đại vọng ngữ), được gọi là cộng giới. Những cộng giới đã được giải thích bên phần giới của Tỳ-kheo thì bên phần giới của Tỳ-kheo-ni sẽ không được lặp lại. Do đó, Tỳ-kheo-ni muốn học một cách đầy đủ các giới của mình bắt buộc phải học Giới của Tỳ-kheo.
Cũng “có quan điểm cho rằng” Phật tử tại gia không được đọc giới của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Nhưng người có công lao lớn nhất trong việc nghiên cứu giới luật thời hiện đại là một vị Phật tử tại gia. Đó là Giáo sư Hirakawa Akira, người Nhật Bản. Giáo sư Hirakawa nghiên cứu và ấn hành 2 tác phẩm được tạm dịch sang tiếng Việt là Nghiên cứu Luật tạng và Nghiên cứu 250 Giới. Hai quyển này được các học giả Luật tạng trên thế giới đánh giá rất cao.
Lại nữa, Giới được định nghĩa là thanh lương, là biệt giải thoát, tức giới mang đến sự an lạc, giới mang đến sự giải thoát từng phần. Giới là lương dược chứ đâu phải là thuốc độc mà phải “bí truyền”. Nếu đã là lương dược thì phải nên cho càng nhiều người sử dụng càng tốt. Cụ thể, bốn giới nặng nhất của Tỳ-kheo được gọi là tứ Ba-la-di. Phạm bốn giới này là phạm tội cực ác. Phật tử cũng giữ bốn giới này (tuy có một vài sai khác) mà kể cả một người không quy y, không phải đệ tử Đức Phật cũng phải giữ giới này. Như vậy có gì là “bí truyền”. Tội nặng thứ hai trong 250 giới của Tỳ-kheo là tội Tăng tàn. Trong tội này có giới cấm làm mai mối cưới gả. Cho dù là một Phật tử tại gia hay không phải là Phật tử cũng không ai dại gì làm chuyện mai mối cưới gả này. Tóm lại, giới Đức Phật dạy cho Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni là để hoàn thiện nhân cách của một con người đi trên đạo lộ giác ngộ, giải thoát chứ không phải là một âm mưu, một kế hoạch xấu xa gì mà cần phải che giấu.
Hiện tại, Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, mỗi hệ phái có sự khác biệt ít nhiều trong giới luật, các bộ luật được áp dụng; khoa Luật học Phật giáo sẽ sử dụng bộ luật của hệ phái nào làm chủ đạo trong chương trình giảng dạy, thưa Thượng tọa?
– Phật giáo Việt Nam tuy có nhiều hệ phái nhưng từ trước đến nay đều truyền thừa bộ luật Tứ phần của Bộ phái Đàm Vô Đức (Pháp Tạng) nên khoa Luật học Phật giáo cũng sử dụng bộ luật Tứ phần làm tư liệu chính trong chương trình giảng dạy.
Việc đưa Luật học trở thành một bộ môn giảng dạy chính thức trong hệ thống các học viện Phật giáo sẽ có tác động như thế nào đến đời sống Tăng Ni, đặc biệt là Tăng Ni trẻ, thưa Thượng tọa?
– Việc làm này sẽ giúp cho Tăng Ni định hướng được đúng con đường tu tập của mình trên đạo lộ giải thoát, giúp cho Tăng Ni, đặc biệt là Tăng Ni trẻ có cơ hội học tập, hành trì giới luật đúng như Thầy Tổ đã dạy: “Năm năm đầu tiên sau khi thọ Đại giới phải chuyên tâm vào việc học tập và hành trì giới luật”. Nếu làm được như vậy, đời sống Tăng Ni sẽ đi vào đúng con đường Phật Tổ đã chỉ dạy và Phật pháp do đó mà được xương minh.
Từng là một Tăng sĩ có nhiều năm du học tại Nhật Bản, Thượng tọa có thể chia sẻ những kinh nghiệm, lưu ý nào trong việc sinh sống và học tập tại nước ngoài, đặc biệt là đối với Tăng Ni sinh?
– Việc sinh sống và học tập tại nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, thời tiết, tài chánh, xã hội, v.v… nên đòi hỏi du học sinh phải có một nghị lực để vượt qua những khó khăn đó. Có điều kiện để đi du học ở nước ngoài là tốt, chúng ta có cơ hội học hỏi những điều hay, điều mới của họ, lấy đó làm tấm gương soi rọi lại chúng ta nhưng đừng bao giờ biến chúng ta thành họ, làm mất đi bản sắc của dân tộc!
Thưa Thượng tọa, khoa Luật học Phật giáo có sự hỗ trợ hoặc định hướng phát triển nào dành cho Tăng Ni sinh có ý định tiếp tục con đường học vấn với bộ môn này sau đại học?
– Dĩ nhiên, biển học mênh mông, không có bờ bến cho nên thời gian 3 năm hay 4 năm của chương trình học viện chưa thể nào gọi là đủ được. Tăng Ni sinh cần nghiên cứu chuyên sâu hơn. Khoa Luật học đã có định hướng cho những Tăng Ni sinh có ý định tiếp tục con đường học vấn sau đại học dù học tại Việt Nam hay nước ngoài.
Thượng tọa có những kỳ vọng nào về đường hướng phát triển của bộ môn Luật học Phật giáo tại Việt Nam trong tương lai?
– Tôi mong muốn bộ môn này được giảng dạy tại các Học viện Phật giáo của cả nước và ngày càng có nhiều Tăng Ni theo học hơn để giúp cho Phật giáo Việt Nam có những bước đi vững chắc hơn trên đạo lộ giải thoát.
Cảm ơn Thượng tọa!