Sáng ngày 03/07/2023 nhằm ngày 16/5/Quý Mão, chư tôn đức tăng ni trong tỉnh Bắc Giang đã vân tập về hạ trường chùa Hồng Phúc ( Trụ sở Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Giang) để làm lễ Hậu An cư từ ngày 15/5 đến ngày 14/08 năm Quý Mão.
Đây cũng là truyền thống của Phật giáo từ thời đức Phật còn tại thế. Chư Tăng Ni đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Văn – UV HĐTS, Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang làm đường chủ hạ trường, cùng 50 Tỷ Khiêu Tăng, 48 Tỷ Khiêu Ni và 14 Sa di tòng Tăng an cư tại hạ trường.
An cư cũng là nghĩa vụ của chư Tăng, Ni, là pháp tu hành của người con Phật có truyền thống từ lâu đời. “An cư” được hiểu rằng, chữ “cư” nghĩa là ở; chữ “an” nghĩa là yên. Theo đó, thân thì không đi ra khỏi chùa, tâm thì chuyên cần tu học, luôn giữ được chánh niệm, không chạy theo trần cảnh bên ngoài. … Ý cần chuyên không rời tịnh niệm. Đêm và ngày nối tiếp không thôi… “An cư” là ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập, giữ cho Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh trong tinh thần hòa hợp đoàn kết trong giới luật Phật chế.
Ba tháng An cư cũng là dịp để chư Tăng, Ni thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, đồng thời cũng thể hiện được lòng từ không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn giảng dạy tu học cho chư Tăng, Ni. Nhờ các vị Hoà thượng tôn túc lớn chỉ dạy về Kinh, Luật, Luận trong ba tháng như bộ Kinh Di Đà sớ sao, bộ sách Liễu Phàm Tứ Huấn, Mục Liên Sám Pháp… cho chư Tăng, Ni tu hành được tinh tấn và đạt được kết quả tốt.
Theo Đại tạng Kinh Việt Nam thì duyên khởi của pháp An cư kiết hạ là vào mùa hạ. Vào tháng tư âm lịch là đầu mùa mưa ở Việt Nam. Hàng năm, chư Tăng Ni, Phật tử ở mọi miền trên đất nước ta đều thực hiện phương pháp tu hành An cư kiết hạ trong 3 tháng. Trong ba tháng ấy, Tăng chúng tập hợp về một ngôi chùa để chuyên lo tu học. Người xuất gia phải cấm túc an cư tại một nơi, nếu có duyên sự quan trọng mới được phép rời khỏi nơi an cư trong vòng 7 ngày.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Ban TTTT PG tỉnh Bắc Giang